Công Lý Việt (CLV)-Trong tất cả các tôn giáo, đền thờ là nơi thánh, như chốn thần linh hiện diện với con người để tiếp nhận phụng tự của họ và cho họ thông phần vào các ân huệ của sự sống của Ngài. Đối với dân tộc Do-thái, đền thờ Giêrusalem là dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa giữa loài người. Nhưng đó chỉ là dấu chỉ tạm thời sẽ được thay thế bằng một dấu chỉ khác đó chính là Thân Thể Đức Ki tô.
Thánh Gio-an đã trình thuật cho chúng ta việc Chúa Giêsu thanh tẩy đền thờ ngay từ đầu sứ vụ công khai của Ngài. Ngài cho các môn đệ thấy dấu lạ đầu tiên khi hóa nước thành rượu tại tiệc cưới tại Ca-na, nơi mà Ngài tuyên bố “Giờ của con” chưa đến nhưng Ngài vẫn thực hiện do sự gợi ý của Mẹ Maria. Như thế ngay từ đầu sứ vụ, Đức Giêsu đã luôn quan tâm đến cái gọi là “Giờ” ấy. “Giờ” ấy chính là lúc Ngài bước vào lễ Vượt Qua của chính ngài tức là chịu khổ nạn và vào vinh quang. Và trong việc thanh tẩy đền thờ, Ngài đã tuyên bố dấu lạ thứ hai liên quan mật thiết đến “Giờ” của dấu lạ thứ nhất.
Dấu lạ thứ hai này liên quan chặt chẽ đến “Giờ” như là dấu lạ đầu tiên đó là lúc Đền thờ thân thể Ngài sẽ bị phá hủy và nội trong ba ngày sẽ được xây dựng lại. Ngài nói như thế là ám chỉ đến cái chết mà Ngài phải chịu và sự phục sinh sau cái chết ấy.
Đền thờ Giêrusalem đã được Thiên Chúa vui nhận như nơi cư ngụ của “Tên Ngài”. Ngài chắc chắn đã chọn nơi cư ngụ ấy và đã quyết: “Tên Ta ở đó” (1V 8,16-21.29). Đền thờ Giêrusalem trở thành trung tâm phụng tự Thiên Chúa. Người ta từ khắp nước hành hương đến đó để chiêm ngưỡng dung nhan Thiên Chúa (Tv 42,3), và đối với các tín hữu, đền thờ còn là đối tượng của tình yêu đầy cảm kích (xem Tv 84;122;103.19.115…) Việc phụng tự diễn ra tại đây mang một giá trị chính thức: chính nhờ phụng tự ấy mà vua và dân chu toàn bổn phận phụng sự Thiên Chúa của quốc gia.
Cũng như các ngôn sứ, Đức Giêsu đã tỏ lòng tôn kính sâu đậm đối với đền thờ cũ. Ngài đã được Mẹ Maria dâng hiến ở đó (Lc 2, 22-39). Trong các đại lễ, Ngài lên đó như một nơi gặp gỡ Cha Ngài (Lc 2, 41-50; Ga 2,14). Ngài chuẩn nhận việc thực hành phụng tự ở đó, đồng thời Ngài luôn luôn lên án chủ trương vụ hình thức đang phá hoại đền thờ (Mt 5, 23tt; 12, 3-7; 23, 16-22). Đối với Đức Giêsu, đền thờ là nhà của Thiên Chúa, một ngôi nhà để cầu nguyện, nhà của Cha Ngài và Ngài đã nổi giận vì người ta đã biến nó thành nơi buôn bán thế nên bằng một hành động có tính cách ngôn sứ, Ngài đã thanh tẩy đền thờ bằng việc xua đuổi tất cả chiên bò, những người bán bồ câu để dùng làm lễ vật cho các ngày lễ, những người đổi bạc, lật nhào bàn ghế của họ. Nhưng cho dù Ngài có thanh tẩy đền thờ đi nữa thì đền thờ ấy đã đến lúc cần phải thay thế bằng một đền thờ mới đó chính là Thân Thể Ngài. Ngài đã tuyên bố:“Các ông cứ phá hủy đền thờ này đi; nội trong ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại.” Chính vì câu nói này mà trong vụ xử án Ngài, người ta đã tố cáo Ngài đã tuyên bố sẽ phá hủy thánh điện do con người xây dựng (Mc 14,58tt), và người ta đã lập lại lời tuyên bố ấy một cách hỗn xược khi Ngài hấp hối trên thập giá (Mt 27,39tt). Nhưng đó là một lời tiên báo trước về cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu mà không phải Đức Giêsu nói về đền thờ vật chất mà người Do-thái đã phải xây trong bốn mươi sáu năm. Thánh Gio-an đặt lời nói bí nhiệm của Đức Giêsu về việc thánh điện bị phá hủy và được xây dựng lại trong ba ngày vào đoạn văn nói về việc thanh tẩy đền thờ song ngài thêm: “nhưng đền thờ Đức Giêsu muốn nói ở đây là chính thân thể Người. Vậy khi Người từ cõi chết trỗi dậy, các môn đệ đã nhớ lại Người đã nói điều đó, họ đã tin vào Kinh Thánh và lời Đức Giêsu.” Vậy đây chính là đền thờ mới và vĩnh cửu, đền thờ không do con người làm, nơi Ngôi Lời Thiên Chúa thiết lập chỗ cư ngụ giữa con người (1,14) như ngày xưa trong Nhà Tạm của Ít-ra-en. Tuy nhiên để truất quyền đề thờ bằng đá ấy, thì chính Đức Giêsu phải chết và sống lại: Đền Thờ thân xác Người sẽ bị phá hủy và được tái thiết lại, đó là ý muốn của Cha Ngài (10,17; 17,4tt). Sau ngày sống lại, thân xác ấy, dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa dưới thế này, sẽ nhận được một thể trạng mới đã được biến đổi để có thể hiện diện khắp mọi nơi và suốt mọi đời trong việc cử hành Thánh Thể. Do đó, đền thờ cũ chỉ còn cách phải tan đi, và cuộc tàn phá Giêrusalem năm 70 sẽ chấm dứt vai trò của nó khi không còn hòn đá nào chồng lên nào hòn đá nào như Đức Giêsu đã nói.
Người Do-thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ và Chúa đã cho họ dấu lạ lớn nhất và quan trọng nhất chính là cái chết và sự phục sinh của Ngài nhưng vì lòng chai dạ đá nên họ chẳng những không nhận ra mà còn tiếp tục đi từ cái sai này cho đến cái sai khác. Người Hy lạp thì tìm kiếm lẽ khôn ngoan nhưng khi đối diện với mầu nhiệm Thập giá họ không nhận ra Đức Kitô chính là sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa.
Trong thời xuất hành, núi Si-nai trở thành một nơi thánh và đã được thánh hiến do việc Thiên Chúa tỏ mình (Xh 3;19,20). Chính nơi đây, Thiên Chúa đã ban Lề Luật cho dân qua Mô-sê. Đó là những chỉ dẫn của Thiên Chúa để giúp dân Chúa sống trung thành với Người và đi trong đường lối của Người.
Gợi ý cầu nguyện:
- Chúa Giêsu muốn thanh tẩy đền thờ vật chất vì nó đã không còn là nhà của Cha, là nhà để dân Chúa cầu nguyện và là nơi gặp gỡ Thiên Chúa. Thiên Chúa cũng muốn thanh tẩy thân xác và tâm hồn chúng ta để chúng ta trở nên đền thờ của Người. Vậy đâu là điều làm cho con người chúng ta không còn là nơi Chúa ưa thích cư ngụ?
- Đức Kitô chịu đóng đinh có là sự khôn ngoan và sức mạnh của mọi Kitô hữu chưa?
- Các môn đệ đã tin vào Kinh Thánh và tin vào Lời Chúa Giêsu sau khi Ngài từ cõi chết sống lại, chúng ta có tin vào Lời Chúa không khi tưởng niệm biết bao lần mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa? Nếu tin vào Lời Chúa cuộc đời chúng ta đã được biến đổi thế nào? Đã được Chúa thanh tẩy ra sao? Nếu chưa thì phải làm thế nào?
Sr. Anna Hồng Phước(Theo: hội dòng đa-minh tam hiep)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét