Post Top Ad

Thứ Bảy, 17 tháng 1, 2015

Gia Tăng Áp Lực Đòi CSVN Tôn Trọng Nhân Quyền

CÔNG LÝ: Đó là đề nghị của Liên Đoàn Quốc Tế Vì Nhân Quyền (FIDH) với Liên Hiệp Châu Âu (EU) trước cuộc đối thoại lần thứ năm về nhân quyền giữa EU với Việt Nam.

FIDH bao gồm 178 tổ chức hoạt động cho nhân quyền ở hàng trăm quốc gia. Theo dự kiến thì cuộc đối thoại lần thứ năm về nhân quyền giữa EU với Việt Nam sẽ diễn ra vào ngày 19 tháng 1 tại Brussels, Bỉ.

Trong văn bản gửi EU, FIDH nhận định, đến nay, tình trạng nhân quyền tại Việt Nam vẫn tồi tệ, không có dấu hiệu được cải thiện, cũng vì vậy, tại cuộc đối thoại sắp tới về nhân quyền với Việt Nam, EU nên đưa ra khuyến nghị rõ rang. kèm thời hạn cụ thể để buộc Việt Nam phải thực thi những biện pháp nhằm cải thiện tình trạng nhân quyền tại Việt Nam.

Một trong những biện pháp mà FIDH khuyến nghị EU cần đề ra đối với Việt Nam, đó là Việt Nam phải chấm dứt sách nhiễu và bắt bớ tùy tiện những người bất đồng chính kiến, những cá nhân hoạt động cho nhân quyền, các blogger, tín đồ các tôn giáo và phóng thích ngay toàn bộ tù chính trị.

Theo FIDH thì EU cần thúc giục Việt Nam thực thi tất cả các khuyến nghị do Ủy Ban Liên Hiệp Quốc Về Các Quyền Kinh Tế, Xã Hội Và Văn Hóa (CESCR) đề ra hồi giữa tháng 12 năm ngoái. Trong đó có yêu cầu thành lập một cơ quan nhân quyền cấp quốc gia, tạo điều kiện cho các tổ chức xã hội dân sự và công đoàn hoạt động độc lập, cải thiện quyền của người lao động, xóa bỏ tệ nạn sử dụng lao động trẻ em.

Trong một cuộc trò chuyện với VOA về khuyến nghị của FIDH, ông Andrea Giorgetta, người đứng đầu bộ phận phụ trách khu vực Châu Á của FIDH, nhấn mạnh, quan trọng nhất là EU cần yêu cầu Việt Nam hủy các điều 79 (hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân), 87 (phá hoại chính sách đoàn kết), 88 (tuyên truyền chống nhà nước), 258 (lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước), trong Bộ Luật Hình Sự hiện hành, bởi những điều này đang được Việt Nam sử dụng để giam cầm những người bày tỏ chính kiến của họ một cách ôn hòa.

Theo ông Giorgetta, yêu cầu hủy bỏ hoặc sửa đổi các qui định mơ hồ trong Bộ Luật Hình Sự hiện hành của Việt Nam đã từng được Hoa Kỳ nêu ra nhiều lần và EU cũng nên làm như vậy. Đã tới lúc cộng đồng quốc tế phải nói với Việt Nam một cách rõ ràng rằng, "Việt Nam phải điều chỉnh để luật pháp phù hợp với các chuẩn mực quốc tế.”

“Phải tôn trọng luật pháp”

Ông Giorgetta nói thêm, các cuộc đối thoại nhân quyền giữa EU với Việt Nam tuy không phải là một “cây đũa thần” song EU cần tận dụng lợi thế là được Việt Nam xem như một “đòn bẩy kinh tế” để yêu cầu Việt Nam xóa bỏ những vi phạm trầm trọng về nhân quyền và cổ xúy cho thay đổi tích cực hơn.

EU là thị trường xuất cảng lớn nhất của Việt Nam, Việt Nam đang hưởng nhiều lợi ích trong quan hệ với EU và để tiếp tục được hưởng các quyền lợi ấy, Việt Nam phải chứng tỏ mình là một thành viên có trách nhiệm trên sân chơi của thế giới - tôn trọng luật pháp quốc tế.

Việt Nam hiện có khoảng 200 tù nhân chính trị và được xem là quốc gia dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về việc giam giữ tù chính trị.

Năm ngoái, sau khi EU từ chối không đánh giá về tình hình nhân quyền tại Việt Nam trong các cuộc thương lượng về Thỏa Thuận Tự Do Thương Mại với Việt Nam, vì đã có các cơ chế khác để làm điều này, chẳng hạn như các cuộc đối thoại nhân quyền giữ EU với Việt Nam, FIDH đã khiếu nại với thanh tra của EU. Thanh tra của EU đã tiếp nhận khiếu nại vừa kể và đang xem xét. (G.Đ)
- See more at: http://thanhnienconggiao.blogspot.com/2015/01/gia-tang-ap-luc-oi-csvn-ton-trong-nhan.html#sthash.2sxILOOs.dpuf

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét