Post Top Ad

Thứ Hai, 9 tháng 3, 2015

Ông Nguyễn Văn Thông – Dân oan Tây Ninh bị bắt cóc

VRNs (10.3.2015) – Sài Gòn – Dân oan Nguyễn Văn Thông sống ở tỉnh Tây Ninh ra Hà Nội khiếu nại, bị công an bắt cóc từ ngày 03.02.2015 cho đến nay.
Ông Quý, một dân oan Đồng Nai đã chứng kiến cảnh công an bắt cóc ông Thông lên chiếc xe 16 chỗ, tại ngõ 2 Ngô Thì Nhậm, vào lúc 10 giờ ngày 03.02 vừa qua.
Ngay sau đó, dân oan Tây Ninh cùng đi khiếu kiện với ông đến trình báo với cơ quan công an Tp. Hà Nội, Văn phòng Tiếp dân của Trung Ương, thì ông Nguyễn Hồng Điệp -Trưởng văn phòng Tiếp dân thông báo bằng miệng rằng, công an tỉnh Tây Ninh đã bắt giam ông Thông.
Ba ngày sau, vào ngày 06.02.2015, Công an huyện Gò Dầu và công an xã Phước Thạnh thuộc tỉnh Tây Ninh thông báo cho gia đình ông Thông biết, ông đã bị bắt tạm giam. Công an huyện yêu cầu vợ ông Thông ký vào các giấy tờ mà công an xã đã ký trước đó, nhưng vợ ông quyết không ký vì bà không biết trong các giấy tờ  đó có nội dung gì.
Bà Kim Đơn, vợ ông Thông, chia sẻ: “Khi nghe tin, gia đình tôi cảm thấy rất hụt hẫng. Mặt mày tôi choáng váng. Chồng tôi đi khiếu nại vì quyền lợi của gia đình, của bà con vì chúng tôi bị mất đất. Chồng tôi đi khiếu nại với mong muốn yêu cầu cầu nhà nước bồi thường thỏa đáng cho người dân mà thôi.”

Vào ngày 26.02.2015, Dân oan Tây Ninh kéo đến văn phòng tiếp dân tỉnh Tây Ninh, yêu cầu thả ông Thông, thì cán bộ tiếp dân trả lời với họ rằng, “ông Thông vi phạm pháp luật nên công an Tây Ninh bắt giữ”. Cán bộ này cũng cho biết thêm, ông hiện bị giam ở công an huyện.“Vì quyền lợi của gia đình và người dân nên chồng tôi quyết tâm đi khiếu nại cho đến cùng”, vợ ông Thông nói.
Gia đình ông Thông khẳng định, việc ông làm hoàn toàn đúng và luôn ủng hộ ông.
Ông Tiếu, một trong những dân oan Tây Ninh đi khiếu nại cùng với ông Thông, nhận xét: “Ông Thông luôn lo cho bà con, giúp đỡ cho bà con và là một người biết hy sinh”.
Sau đó một ngày, vào ngày 27.02, gia đình đến công an huyện  thăm gặp, thì ông Phó Công an huyện Gò Dầu thông báo, ông Thông bị giam ở trại giam B4 tỉnh Tây Ninh.
Gia đình ông đã gửi đồ thăm nuôi ông, nhưng cán bộ không cho thăm gặp với lý do đang trong giai đoạn điều tra.
Được biết, trong quá trình đi khiếu nại, ông Thông đã bị công an Hà Nội đánh và bị chấn thương cột sống. Sự việc này diễn ra vào ngày 22.10.2014. Ông đã gửi đơn tố cáo lên công an Tp. Hà Nội nhưng họ vẫn im lặng, không giải quyết.
Trước đó, vào tháng 10 năm 2011, nhà cầm quyền bỏ tù 8 người dân oan Tây Ninh, tổng cộng 10 năm tù giam, vì đã đi khiếu nại. Nhiều người trong số 8 người này bị đánh trọng thương.
Dân oan Nguyễn Văn Thông cùng với hơn 130 hộ dân sống ở ấp Phước Hội, xã Phước Thạnh, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh đi khiếu nại vì nhà cầm quyền tỉnh Tây Ninh không bồi thường thỏa đáng cho người dân theo Nghị định 69 của Thủ tướng Chính phủ, khi triển khai dự án Khu liên hợp Phước Đông – Bời Lời.
Ông Tiếu- một Dân oan – cho biết, ba mức giá sẽ được bồi thường, theo qui định pháp luật  là 55.000 VNĐ/1m2; 47.000 VNĐ/1m2 và 45.000 VNĐ/1m2 nhưng nhà cầm quyền huyện, tỉnh  lại áp mức giá chỉ là 11.000 VNĐ/1m2 * 1,5 = 16.500 VNĐ/1m2.  Thấp hơn nhiều mức giá qui định, gây thiệt hại quyền lợi bà con.
Trong thời gian vừa qua, đa phần nhà cầm quyền cs triển khai nhiều dự án xây dựng khu công nghiệp trên mảnh đất của người dân và họ đã giải tỏa, thu hồi đất nhưng lại không bồi thường thỏa đáng cho bà con, khiến cho cuộc sống của những người mất đất càng ngày càng bi đát hơn và kinh tế của gia đình họ rơi vào kiệt quệ do không chuyển đổi được nghề nghiệp. Đằng sau các dự án thu hồi đất là những tệ nạn xã hội do nghèo đói phát sinh. Để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, bà con đi khiếu nại. Huyện, tỉnh thì chắc chắn sẽ giải quyết “đã đúng pháp luật…đây là giải quyết khiếu nại cuối cùng…” nên bà con buộc phải khiếu nại ở trung ương.
Hoàn cảnh đi lại, ăn ở …chẳng những tốn kém so với cuộc sống người dân oan mà còn nguy hiểm đến tính mạng – như trường hợp ông Thông- bị công an bắt cóc, không tuân theo trình tự, thủ tục bắt người, tạm giữ, tạm giam qui định tại Bộ luật Tố tụng Hình sự. Việc khiếu nại vượt cấp đôi khi cũng mang lại chút hy vọng mong manh, như trường hợp 34 dân oan tỉnh Tây Ninh kéo lên Sài Gòn “khiếu nại liên quan đến việc thu hồi đất, bồi thường ở các dự án nông trường mía Nước Trong, khu công nghiệp Chà Là, dự án ban đời sống nhà máy đường Nước Trong, nông trường mía huyện ủy Tân Châu, dự án 327 công ty cao su 1/5 và một số hộ lẻ” đã được Ban tiếp công dân trung ương, đại diện cục III, Thanh tra chính phủ hứa “lãnh đạo cục III, Thanh tra chính phủ sẽ phối hợp với UBND tỉnh tổ chức tiếp công dân vào trong thời gian 24/3 đến ngày 4/4/2015”. Tuy nhiên, cũng đã có rất nhiều trường hợp hứa để bà con trở về tỉnh nhà (như trường hợp bà con dân oan tỉnh Cần Thơ ra Hà Nội khiếu nại nông trường Sông Hậu và công ty Cờ Đỏ), hay sau đó sẽ giải quyết “y như huyện, tỉnh” vậy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét