Thông tin về việc bảy văn nghệ sĩ bị truy thu 4,4 tỉ đồng trong giai đoạn 2009-2014 vừa được Cục Thuế TP.HCM công bố không chỉ khiến dư luận ngạc nhiên mà nhiều người làm công ăn lương cảm thấy chạnh lòng.
Sự “ngạc nhiên” này là có lý do. Bởi nhan nhản khắp mặt báo lâu nay, văn nghệ sĩ này khoe sắm xe tiền tỉ, nghệ sĩ kia mua nhà triệu USD, catsê mỗi sô tính bằng đơn vị chục ngàn USD... Thế nhưng, nhiều nghệ sĩ nổi tiếng chưa từng kê khai thuế thu nhập cá nhân, hoặc nếu có khai thì cũng chỉ vài triệu đồng mỗi tháng, còn thấp hơn cả người làm công ăn lương.
Có nhiều nghệ sĩ được cơ quan thuế mời đến làm việc, nhưng số thuế mà cơ quan thuế truy thu được từ đối tượng này như công bố thời gian qua là quá nhỏ nếu so với thị trường văn nghệ của TP.HCM và thu nhập thực tế của nghệ sĩ.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc quản lý thuế đối tượng này chưa hiệu quả, trong đó quan trọng nhất là xưa nay cơ quan thuế vẫn để đối tượng này tự khai là chính, còn dữ liệu thu thập được không bao nhiêu.
Ngay cả việc dùng cơ sở dữ liệu thu thập được để đấu tranh cũng chỉ giải quyết được phần nào do họ có nhiều chiêu lách thuế, kể cả việc lấy lý do đi du lịch nhưng thực chất là đi biểu diễn. Chưa kể, nhiều năm nay văn nghệ sĩ không còn khai thuế tập trung ở Cục Thuế TP.HCM mà đưa về các chi cục, dẫn đến nghệ sĩ có kê khai hay không và khai bao nhiêu cơ quan thuế cũng không nắm được.
Sự buông lỏng quản lý thuế với đối tượng nghệ sĩ trước tiên gây thất thoát nguồn thu thuế, nhưng quan trọng hơn không tạo được sự công bằng với các đối tượng nộp thuế. Điều đó cũng cho thấy mô hình quản lý thuế văn nghệ sĩ theo hướng phân cấp về chi cục trong bốn năm qua có vấn đề.
Những đối tượng thu nhập rất cao không ai quản lý trong khi cơ quan thuế chỉ tập trung vào đối tượng dễ thu nhất là người làm công ăn lương. Như vậy quá bất công. Chưa kể việc này còn gây bức xúc đối với những nghệ sĩ dù thu nhập chưa phải hàng sao nhưng lâu nay lại thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ nộp thuế.
Một chuyên gia thuế nói tất nhiên cũng có thể hiểu rằng nghệ sĩ là người của công chúng, là đối tượng nhạy cảm nên cơ quan thuế ít muốn đụng chạm nhưng như vậy là “mềm nắn rắn buông”, không tạo được công bằng giữa những người nộp thuế trong khi công bằng và minh bạch là mục tiêu đầu tiên cơ quan thuế cần phải hướng đến khi thực thi nghĩa vụ thuế.
Thực tế trên cũng cho thấy cần thay đổi cách quản lý thuế đối với đối tượng có nguồn thu cao và khó quản lý như văn nghệ sĩ. Không thể duy trì cách làm như lâu nay để mạnh ai nấy khai, lâu lâu cơ quan thuế làm thí điểm một vài trường hợp rồi truy thu, sau đó lại đâu vào đấy.
Luật thuế thu nhập cá nhân áp dụng từ năm 2009, đến nay đã sáu năm nên khó có thể nói nghệ sĩ không nắm, không biết, cứ tưởng khấu trừ 10% là đã hoàn thành xong nghĩa vụ. Bên cạnh giải pháp tuyên truyền, cơ quan thuế cũng nên có các giải pháp khác, nếu cần có thể công bố tên tuổi nghệ sĩ nhiều năm không thực hiện nghĩa vụ thuế để công chúng biết, từ đó đánh động đến những trường hợp khác và tạo ý thức tuân thủ.
Ngoài ra, cũng từ đối tượng điển hình là nghệ sĩ, cần xem lại những đối tượng có thu nhập cao khác, ai đang quản lý, thất thu bao nhiêu, giải pháp sắp tới thế nào... Nếu cá nhân nào cố tình vi phạm thì phải có hình thức xử phạt nặng để răn đe.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét